Kỳ vọng quá cao thậm chí bị cho là “ngáo giá”, nhiều chủ nhà phố bế tắc với chính mình vì họ không chấp nhận bán nhà với mức giá thấp hơn, nhưng nếu không bán nhà thì nợ chồng nợ...
Với số tiền 10 tỷ đồng, chị Phạm Thị Huệ (Bắc Ninh) đang muốn tìm mua nhà đất thổ cư có thể kinh doanh. Tuy nhiên, sau gần 3 tháng kiếm tìm chị Huệ vẫn chưa chốt hạ được vì dù đã tham khảo rất nhiều nhưng giá nhà đều đắt “bỏng tay”.
“Mình muốn tìm nhà khu vực quận Cầu Giấy và Tây Hồ, nhưng có đi thực tế mới thấy giá nhà đất tại các quận nội đô không hề giảm.
Trước khi mua mình có tham khảo một số bạn bè và người thân, được biết thời điểm này dễ tìm mua nhà hơn. Một số bạn môi giới thì cho hay, phân khúc nhà 10 tỷ sẽ ít khách hơn so với phân khúc dưới 5 - 6 tỷ... nhưng thực tế, thì tôi thấy không hề dễ mua. Phần lớn những nhà ở phân khúc 10 tỷ tôi từng xem đều nằm trong ngõ, chỉ có thể để ở còn nếu có thể kinh doanh thì phải dao động từ khoảng 15 tỷ trở lên” – chị Huệ chia sẻ.
Giá nhà phố tại các quận nội đô Hà Nội vẫn khá giữ giá
Đặc biệt, cũng theo chị Huệ, trong số nhiều nhà c xem, có một số nhà dù chủ tỏ ra cần tiền và mong muốn bán nhanh nhưng nhiều khách xem xong rồi lại phải từ bỏ vì chủ quá "cứng" với mức giá như "trên mây".
"Tìm kiếm nhà khu vực quận Cầu Giấy nên tôi biết, có chủ nhà nhờ cả chục môi giới tìm khách để bán, nhưng vì họ để giá quá cao nên dù có rao bán vài tháng nhà vẫn còn đó" - chị Huệ nói thêm.
Anh Nguyễn Đức Nam – Nhân viên môi giới có kinh nghiệm tại Hà Nội chia sẻ, trên thực tế thời điểm này thị trường nhà đất thổ cư đã hạ nhiệt khá nhiều, thông tin rao bán nhiều hơn và người mua có “cửa” ép giá với những nhà họ thấy phù hợp.
Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều người do từng mua bán BĐS ở thời điểm giá cao, cho thuê mặt bằng được giá cao nên họ chưa hoặc không chấp nhận mức giá giảm từ thị trường như hiện nay, dù họ đang cần bán.
Cũng vì lý do đó, nên theo anh Nam nhiều nhà đầu tư sở hữu BĐS hàng chục tỷ thậm chí hàng trăm tỷ, nhưng đang bị rơi vào vòng luẩn quẩn giữa bán và không bán. Bán thì giá giảm nhiều hơn so với kỳ vọng, còn để thì chính ngôi nhà lại đang ăn mòn vào túi tiền của họ tới cả trăm triệu mỗi tháng do tiền lãi ngân hàng và mặt bằng nhà để trống không có người thuê.
“So với TP HCM, giá nhà đất ở Hà Nội chưa bao giờ là giảm, hầu như chỉ là chậm giao dịch, ít giao dịch. Gia chủ hầu hết đều giữ cứng giá. Ai cần bán thì có chăng giảm về dưới thị trường 1 chút.
Tôi từng làm việc với vài chủ nhà nhờ bán nhà xong mặt buồn rười rượi vì bán nhà do cần tiền mà giá bán so với lúc mua lỗ kha khá do trước mua bị cao quá rồi. Nhưng nếu cần bán, thì đành chấp nhận thôi.
Nhiều chủ nhà mâu thuẫn với chính mình, dù cần bán nhưng vẫn giữ cứng thậm chí "ngáo giá"
Có những nhà ở quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm mạn đẹp tầm này giao dịch 600 triệu/m2 là đẹp lắm rồi, nhưng có những nhà ở mấy phố “hẻo” như Đường Láng hay Lê Duẩn mà cũng đòi 500 – 600 triệu/m2 thì chịu không thể giao dịch. Tốt nhất, nên giữ ở thôi, thợ như mình không thể chào khách giá đó được, mất khách” - anh Nam chia sẻ.
Tương tự, chị Thủy – một nhà đầu tư chuyên phân khúc thổ cư cũng cho rằng, trong cơn sốt nhà đất vừa qua ngáo giá cũng khá nhiều, phần thì do "cò" thổi, phần thì người mua kỳ vọng tăng tiếp. Bây giờ nhiều người cần bán lại rất khó, bán lỗ thì tiếc, bán giá có lời thì không ai mua. Lại phải chờ "sóng" mới mà chưa biết sẽ là 5 năm hay 10 năm nữa.
Do đó, theo chị Thủy, những nhà đầu tư theo quan niệm đầu cơ sẽ đối mặt rất nhiều thử thách từ áp lực ngân hàng nếu sử dụng vốn vay (mà đa số là có) trong bối cảnh thanh khoản bất động sản ngày càng thấp. Và thanh khoản chỉ rơi vào các bất động sản có giá trị thấp hơn thị trường rất nhiều.
“Không chịu nổi lãi suất ngân hàng, nhiều người chấp nhận bán bằng giá lúc mua vào, thậm chí thấp hơn. Đây quả thực là quyết định cực khó khăn, nhưng nếu không bán, lãi suất ngân hàng tiếp tục sẽ ăn mòn vào cả ngôi nhà chứ lời ai dám nghĩ tới lúc này” – chị Thủy nói thêm.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nha-pho-gia-tren-troi-nhieu-chu-nha-be-tac-voi-chinh-minh-vi-xot-cua-...v